Làng thuốc lào xứ Thanh

“Nhớ ai như nhớ thuốc lào, đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên” câu ca từ lâu đã trở nên quen thuộc của người dân xã Quảng Định (Quảng Xương, Thanh Hóa). Bởi bao đời nay, nơi đây đã gắn liền với cây thuốc này, làm nên thương hiệu “Thuốc lào Thượng Đình” nổi tiếng.

Tôi biết đến xã Quảng Định cũng từ thói quen hút thuốc lào của bố và anh tôi. Được ông mách nước, hiện chỉ có thuốc lào Thượng Đình là hút ngon và sảng khoái nhất. Tôi tất tả vượt quãng đường gần 30 cây số dưới tiết trời rét buốt để tìm hiểu xã “thuốc lào”.

Nói không phải ngoa, ngay đầu xã Quảng Định, dọc hai bên bờ đê thấy bạt ngàn cây thuốc. Có hàng trăm người dưới ruộng, xe đạp, xe máy đi làm đồng chất đầy đường đê. Tiếng cười đùa, chào hỏi cộng tiếng “cộp cộp” của cuốc, xẻng rộn ràng cả thôn.

Người dân nơi đây cho hay, giờ là đang trong thời kỳ xả phân cho cây nên xuống đồng đông lắm. Có cả những đứa trẻ mới chỉ học cấp 1 cũng theo mẹ ra đồng. Ngay đến các cô giáo mầm non của xã cũng tranh thủ những ngày nghỉ ra làm việc cùng gia đình. Những nụ cười hóm hỉnh xua tan đi những giọt mồ hôi mệt mỏi.

Nhọc nhằn

Nghe tôi hỏi chuyện, anh Đỗ Văn Dũng đang chăm sóc cây thuốc lào, tươi cười đáp: “Năm nay đẹp trời, mọi người hết thảy đều ra đồng, đàn ông ai ai cũng mang theo “vật quý” của mình là cái điếu cày, túi thuốc”. Vui vẻ là vậy, nhưng khi kể về quá trình từ cái cây con cho tới nhúm thuốc lào vo viên ta hút thì thật vất vả, nhọc nhằn.

Anh Ngô Văn Quyết, công an xã Quảng Đinh chia sẻ: “Cây thuốc lào trồng vất vả, nhiều công lắm. Từ lúc trồng  là vào đầu tháng 9 năm này cho tới tháng 4 năm sau, không ngày nào là không ra đồng, có ngày sáng ra, chiều lại phải ra, chỉ cần lơ là để cây bị nấm là coi như hỏng.”

Kể ra, cây thuốc lào trồng phải mất nhiều công sức. Chỉ sơ sơ, riêng công chăm bón cũng phải cẩn trọng, vì nó quyết định việc thuốc ngon hay dở. Quảng Định có cách trồng và chăm sóc khác với nhiều vùng, chính vì vậy thuốc lào ở đây được nhiều người ưa chuộng. Đất vùng này nhiễm phèn nhiều, trồng lúa thì khó chứ còn trồng cây thuốc lào lại rất tốt. Người dân bắt đầu gieo hạt từ đầu tháng 9 âm lịch, để tránh sương muối, mỗi luống được che đậy rất cẩn thận.

Sau một thời gian, khi cây đã có từ 2 – 3 lá thì bắt đầu quá trình giâm. Điều này sẽ làm cây phát triển tốt hơn, không héo. Khoảng 20 ngày sau thì bắt đầu cày đất, vun luống, bón phân, trồng. Khi cây cao khoảng 15 cm phải tưới nước liên tục 2 lần sáng chiều, bón thoáng đạm. Nếu gặp sâu thì phun, nhưng chỉ sợ bị nấm, bệnh này lây lan nhanh, cho đến giờ vẫn bó tay, chưa có thuốc đặc trị. Cách duy nhất là ngay khi thấy cây có biểu hiện bị nấm là lập tức nhổ bỏ liền để tránh lây lan. Anh Quyết kể: “Có năm bị nhiều, có 200 cây thì phải bỏ gần 50, mất mát không biết bao nhiêu mà kể”.

Sự khác biệt trong cách chăm sóc cây vùng này được truyền lại từ đời này qua đời khác, ở chỗ, khi cây đủ 15 cm thì bấm ngọn cái để 3 nhánh con có dưỡng chất phát triển. 3 nhánh này sẽ cho tới 15 lá/nhánh, năng suất cao gấp nhiều lần so với khi không bẻ. Thời điểm đầu tết này là lúc xả đất, chăm nhánh 3, để cây phát triển cho năng suất cao nhất.

Cũng từ giai đoạn này trở đi, người dân phải thường xuyên ra quan sát cây để kịp thời ngăn chặn sâu bệnh, tưới nước đều đặn. Đến khi cây cao gần 1 m2 thì bấm hoa cho dừng lại để thu hoạch. Trung bình, mỗi cây cho từ 45 – 50 lá, 1 sào cho từ 40 – 50 kg thuốc khô.

Cả xã ăn Tết “hai”

Anh Quyết mỉm cười: “Người dân Quảng Định đón cái Tết thứ hai là khi cây thuốc lào sau khi thu hoạch, đang trong giai đoạn chế biến”. Vào mùa chế biến, nhất là công đoạn thái thuốc, nhà nào nhà nấy vui như trẩy hội. Ngoại trừ con cháu đi học, đi làm xa, còn không tất cả nội, ngoại, anh chị  em kéo về phụ gia đình. Những ngày đó, thôn xóm huyên náo cả lên, người này qua nhà người kia giúp, đông đến vài chục.

Chế biến thành thuốc lào cũng lắm công phu. Lá đem về cuộn thành từng cuộn, rồi ủ từ 3 – 4 ngày cho đến khi vàng và thơm thuốc (lấy hương) trước khi thái. Thái thuốc lào cần rất nhiều kỹ thuật, chưa tính đến việc lựa chọn dao lưỡi phải nhỏ, đủ độ sắc, thì bánh thuốc mới đẹp nên không phải người nào cũng biết.

Hồi trước thái bằng tay, ngồi cả ngày chỉ được gần 60 kg thuốc, tay chân rã rời, mỏi nhừ, đàn ông trong nhà mới chịu nổi, chứ đàn bà thì chỉ thái được chừng 20 kg là “chào thua”. Mấy năm gần đây, ít người dân có máy thái, nên hiệu quả cũng tăng lên từ 2 – 3 lần.

Tục lệ ở đây là: Sau khi thái lá thuốc xong, tức là khi chiều muộn, chủ nhà phải mổ gà, mở bia để đãi những người đến phụ, chứ không lấy tiền công. Chính vì vậy, đến Quảng Định vào những mùa này như thấy Tết vậy.

Cái Tết thứ hai sẽ kéo dài cho tới khi thuốc lào được bán hết. Mỗi vụ lái buôn đều vào tận nơi chở thuốc đi. Được cái, chi phí cho cây thuốc lào không đáng kể, khi hết mùa lại có thể trồng lúa, lợi cả đôi đường. Vui nhất là năm nào cao giá, y như rằng cả thôn mở tiệc ăn mừng, bà con phấn khởi.

Xã Quảng Định có 15 thôn, ngoại trừ 1 thôn do trước kia làm chiếu, còn lại cả 14 thôn đều gắn bó với cây thuốc lào. Với gần 1.600 hộ gắn bó với cây thuốc, diện tích gần 33 ha, nhà ít thì trồng 1.000 cây, nhiều thì tới 6.000 cây, hiện xã được coi là nơi trồng thuốc lào lớn nhất tỉnh.

Ông Lê Đình Lâm, năm nay đã 64 tuổi, vừa rít điếu thuốc lào, ông vừa kể: “Hầu như ở đây ai cũng trồng. Không biết từ bao giờ mà bà con gắn bó với loài cây này. Chỉ biết, kinh nghiệm cứ thế truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, tiếp nối cho đến bây giờ”.

Ý kiến bình luận