Chiếc điếu cày của cha

Đêm. Cha réo thuốc lào rào rạo, mỗi lần như thế mẹ lại hục hoặc: Vừa phải thôi, lại ho như ông Kì ọ bi chừ. Rồi mẹ quay lưng cái rụp trong tiếng ọt ẹt của liếp giường bằng tre cũng đã vào độ hom hem. Cha lặng lẽ réo thêm điếu nữa rồi nhón chân vào ngủ. Lại ho khoèn khoẹt, lại tiếng lầm rầm của mẹ: Cố cho lắm vô, bổ béo chi lắm mà ham hố. Đáp lại tiếng hoạch họe của mẹ vẫn là tiếng ho khoèn khoẹt của cha. Tôi nằm nghe mà không sao chợp mắt. Ngày mai tôi đi xa…

Ông Kì ọ là tên người làng gọi ông Kì, người đàn ông với mái tóc dài xồm xoàm. Người ta quen gọi ông là Kì ọ vì tiếng ho của ông. Ông ho sặc sụa, ho liên hồi đến rũ người, hết cơn ho này lại đến cơn ho khác. Liên miên. Ngày này qua ngày khác. Đêm lại đêm. Chỉ những đêm trời thanh mát con ma ho mới buông tha cho ông.

Ông Kì xanh xao, gầy rộc như tàu lá trơ trụi lụi cụi bên hiên nhà lụp xụp. Ông làm nghề sửa xe đạp nhưng chẳng mấy ai chọn ông để sửa vì sợ tiếng ho và hình hài bệnh tật của ông. Chỉ những đứa học sinh, người qua đường không may xe thủng xăm hay đứt xích, bất đắc dĩ mới phải vào nhờ ông sửa xe. Có một lần như thế tôi đã chứng kiến cách mà người ta đối xử với ông. Ông bơm cho tui cái lốp, đi về đến nhà là được, ở nhà có đồ nghề rồi, tui tự vá. Nắng quá không đợi được. Người khách nói. Ông Kì không nói không rằng lụi cụi bơm, vừa cầm cái bơm kéo lên đẩy xuống được hai nhát thì một cơn ho dài, khù khụ ập đến. Ông ngồi xuống lấy hết hơi mà ho, khạc nhổ.

Khi cơn ho hạ xuống thì ống lấy tay vuốt ngực như cố lấy lại nhịp thở bình thường, tuy nhiên người khác vẫn nghe tiếng phì phì phò phò, như cổ họng con mèo mướp lười biếng thở bên tai. Uống nước đi! Ông khò khè mời khách. Người khách trong lúc chờ ông cắt cơn ho đã bơm tiếp cho cái xe của mình căng phồng lốp từ chối khéo: Tôi vừa uống. Tôi biết thực anh ta đang khát cháy cổ nhưng ngại lây bệnh ho của ông nên không dám uống. Anh ta trả năm trăm đồng tiền công bơm xe cho ông Kì rồi đi. Chiếc xe đạp Thống Nhất vút xuống dốc ông Kì như một sự giải thoát. Ông Kì ngồi xuống bên cái trện, gấp tờ tiền màu gạch phẳng phiu như nâng niu một vật báu. Người ta còn gán cho ông cái tên ông Kì si đa dù ông chẳng biết si đa là gì, thỉnh thoảng lại thấy ông tủm tỉm như chợt nhớ ra điều đang cố nhớ.

Ảnh: Bùi Hải Yến

Người ta bảo muốn biết mức độ nghiện thuốc của ai đó, chỉ cần nhìn cách hút thuốc của anh ta là biết. Người nghiện không phải là hay hút mà mỗi lần hút là hít hơi thuốc thật sâu, như chạm đến tận xương, tủy mình. Còn những người hút xã giao thì họ hít hơi thuốc nhẹ nhàng, từ tốn và không nuốt hơi thuốc như người nghiện, họ nhả ra hoặc bằng mũi, hoặc bằng miệng hơi thuốc vừa hít vào. Ngày xưa, ông Kì đã từng nghiện thuốc lào, mỗi lần ông hút khói thuốc trắng ngát, góc nhà ông mùi khai của xỉ thuốc, mùi hắc của mồ hôi nặng mùi của đàn ông quyện sánh. Người vợ của ông không chịu được thứ mùi ấy đã bỏ nhà đi đâu không ai biết. Những đứa con của ông, đến năm đứa nhưng đứa nào cũng ghẻ lạnh cha chúng vì cho rằng cha chúng chỉ có công sinh ra chúng mà không biết dưỡng dục. Các con đều xem ông Kì như người dưng, hay chửi rủa ông sao không chết đi cho rảnh, đỡ ồn ào. Năm đứa con trai của ông chưa bao giờ hút thuốc cũng như chúng không chơi với đứa bạn nào hút thuốc. Chúng xem thuốc hủy hoại hạnh phúc gia đình chúng. Chúng có cha mẹ mà như không cũng vì người cha nghiện thuốc đến sinh bệnh tật.

Ông Kì chết co trong chiếc giường nặc mùi dầu gió. Đêm ấy, bão to, gió lớn và chỉ nghe tiếng đì đùng của sấm cùng thứ ánh sáng sắc bén của chớp. Tiếng ếch gọi bạn tình trong đêm no nước sau kì đại hạn của xứ gió Lào. Mái ngói mục rũ ra, rơi vãi trong một đêm mưa bão. Đêm ấy, ông Kì đã bị con ma ho hành hạ đến kiệt sức. Và tắt thở. Người làng chỉ nghe tiếng sấm, không ai nghe tiếng ho của ông. Không có tiếng gào đến rũ rượi, rời rạc và khạc nhổ. Sáng mùa thu, trời trong xanh như tiễn đưa một linh hồn cô quạnh.  Sau khi ông Kì chết, người ta vẫn nghe âm thanh những tiếng ho dài hàng đêm phía dốc ông Kì ọ, nơi có chiếc quán sửa xe của ông. Người ta gọi tiếng ho ấy là Con ma ho.

*

*    *

Bảo bỏ thuốc mà cứ hút chi rứa. Lại ho với khạc nhổ khiếp quá. Con gái lớn rồi, định không cho nó lấy chồng hả? Ông vừa vừa thôi, hai ba thứ tóc trên đầu rồi đấy. Lại còn rượu chè nữa… Mẹ nói lỗ tai mẹ lại nghe thôi, cha tôi bị lãng tai sau trận lặn vượt sông Lam hồi đi lính lùng địch. Chỉ khi ai hét bên tai ông  mới nghe, nhưng cha nhạy cảm, nhìn điệu bộ mẹ là cha biết mẹ đang la ông hút thuốc nhiều. Sao xưa mẹ yêu cha, lấy cha mần chi giờ chỉ vì ông hay thuốc, rượu với chè xanh mà la cha? Tôi hỏi mẹ. Ngày xưa cha mi mà như rứa tau ngu chi mà lấy… Mẹ gầm ghè…

Nhìn cha lụ khụ ho bên bàn gỗ, hết uống chè xanh lại hút thuốc, hết đi ra vườn lại vào nhà cầm điếu cày tôi cũng buồn lắm. Cứ thế này chẳng bao lâu nữa cha bị người ta gọi là ông Kì ọ hai cho coi. Nhưng cha bỏ thế nào được, không thuốc lào chè xanh thì có ai mà nói chuyện, chơi cờ. Mấy ông hàng xóm nghiện cha không phải vì ông nói chuyện hay mà vì nhà tôi lúc nào cũng sẵn thuốc lào nơi bàn cùng ấm chè xanh thơm ngát. Sáng nào cha cũng dậy sớm ra vườn tự tay chọn những cọng chè xanh mướt màu ngả vàng chỗ hướng sáng nhất. Cha tự tay rửa chè và vò nát, cho vào ấm. Hôm nào mà cha mệt tôi vò chè kiểu gì cũng bị ế nước vì nước kém thơm ngon và màu sắc kém vàng màu mật ong. Đời ông chỉ có thuốc nước và vài ba ly rượu là tri kỉ, bao buồn vui của ông đều gắn với bát nước chè xanh và cái điếu cày. Nhờ vậy ông có bạn để sẻ chia khi mẹ suốt ngày chợ búa với hàng bánh từ sáng sớm đến tối mịt, tôi thì hết đi học lại về phụ mẹ bán hàng.

Cha đã già, lại yếu vì mang thương tật, dấu vết viên đạn trong trán luôn hành cha mỗi lúc trở trời.  Cha cứ lụ khà lụ khụ quanh nhà với nương khoai vườn cà, mấy con gà ri. Thú vui của cha là chơi cờ tướng với mấy ông hàng xóm bên ấm chè xanh và cái điếu cày. Mỗi bận cha thắng cờ lại vỗ đùi cái đét rồi bắn mấy bi thuốc lào. Thứ nước chè xanh sóng sánh trong bát sứ như sự tự thưởng của cha. Nhưng tiếng ho… Đêm đêm lại nghe tiếng mẹ hục hặc vì tiếng ho của cha. Mẹ xót xa vì biết cha khó ở, phổi cha bệnh. Mẹ không xót vì vườn chè mùa đắt chợ, mẹ không tiếc mỗi lần mua thuốc lào cho cha, nửa tháng một cân, loại nặng ngon nhất, người bán gọi là loại “đặc biệt”, nhưng mẹ thương cha với cơn ho rạc cổ. Mẹ phản đối việc cha hút thuốc kịch liệt, nhiều lúc mắng sang cả tôi. Mẹ bảo: Tao chịu, mi mà không nói được cha mi bỏ thuốc, giảm rượu thì tau từ mi luôn. Lời của mẹ làm tôi cũng muốn nổ đom đóm mắt. Đêm đêm cha lại ho nhiều hơn. Cha ho như xé toạc màn đêm im lìm, có khi động cả khu vườn đang ngon giấc, con chó vàng nằm khoanh giữ nhà bên góc thềm cũng choàng tỉnh chạy xuống bếp nằm cho yên tĩnh. Mẹ nhiều hôm cũng chạy qua giường tôi nằm vì hết chịu nổi tiếng ho của cha mi. Dù mỗi lần cha ho, mẹ hết vỗ lưng lại vuốt ngực cho ông. Khi cha lên cơn ho mẹ như vỡ từng mảnh…

Tôi không muốn cướp đi niềm vui đơn giản và nhỏ bé của cha.

Tôi vào đại học. Thực lòng tôi không muốn rời xa ngôi nhà của mình. Hạnh phúc của tôi là mỗi ngày thức dậy được thấy mẹ dọn hàng đi chợ và cha bình thản bên bát chè xanh. Tôi cảm thấy nỗi thiếu thốn, trống vắng rợn ngợp trong lòng mình khi hình dung ra trong ngôi nhà ba gian của mình tôi đi vắng suốt bốn năm, sau đó thì tôi về nhà chồng và lâu lâu mới về thăm nhà ngoại. Tôi chỉ muốn ở bên cha mẹ mình mãi mãi. Cha lại lặng lẽ cầm điếu cày, cha văn tay nhóm thuốc lào và đốt lửa. Lại réo và lại ho, từng tiếng khù khụ trong lồng ngực. Lòng tôi đau nhói nghĩ về hình ảnh ông Kì ọ. Trong tôi luôn có nỗi ám ảnh về tiếng ho gắn với hình ảnh ông Kì. Tôi trào nước mắt khi nghĩ đến cái chết của ông, ngoài các con, người làng không ai biết đêm dông bão đó ông Kì ọ đã ho rồi tắt thở thế nào. Lòng tôi còn vẳng tiếng ho sặc sụa của ông. Con ma ho có buông tha cho cha tôi không?

Tôi từ biệt cha ra đi. Cha ngoắc tay tôi như trò chơi hồi tôi còn nhỏ và cha còn trẻ. Mái tóc ông bồng bềnh như những lọn khói thuốc lào bãng lãng…

Theo: vannghequandoi.com.vn

Ý kiến bình luận