40 sào thuốc lào đồng loạt chết rũ, nông dân thiệt hại tiền tỷ

Mấy ngày qua, làng quê xã Quảng Định (Quảng Xương) xôn xao khi hàng chục ruộng thuốc lào héo vàng và chết đồng loạt. Theo ông Đoàn Thành Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Định: “Đã có tổng số khoảng 40 sào thuốc lào bị chết do phun thuốc trừ sâu nhãn hiệu cá sấu”.

516a9e35_1365941813

Được biết, cách đây khoảng nửa tháng, nhiều nông dân vùng quê có truyền thống trồng thuốc lào này đều mua một loại thuốc trừ sâu có biểu tượng con cá sấu mà nhân dân trong vùng vẫn quen gọi “thuốc cá sấu” của một số đại lý thuốc bảo vệ thực vật trong xã. Sau khi phun loại thuốc sâu này, cây thuốc lào cứ lụi dần, thối rễ, đen thân và rụng lá. Đáng nói, đây là loại thuốc sâu mà nhiều năm nay, nông dân ở đây vẫn tin dùng và chưa bao giờ có hiện tượng thuốc lào bị chết do phun thuốc.

Nhìn ruộng thuốc lào đã héo úa, thối rữa, anh Lưu Văn Huế, thôn 8, xã Quảng Định, xót xa: “Bà con nông dân chúng tôi quá bất ngờ. Sau 6 tháng chăm sóc, vun trồng, chỉ khoảng nửa tháng nữa là thu hoạch, vậy mà bỗng chốc trắng tay. Thu nhập của chúng tôi chủ yếu nhìn vào cây trồng truyền thống này, thế mà…”. Cách đó không xa, gia đình bà Đoàn Thị Tranh cũng có 4 sào thuốc lào, nay đã chết lụi mất 2 sào. Thôn 11 có 80 hộ chuyên trồng thuốc lào thì đợt này có tới hơn 10 hộ có diện tích bị chết. Theo tính toán, sau 6 tháng chăm sóc, sau khi trừ chi phí mỗi sào thuốc lào cũng cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Một số hộ mất trắng như hộ anh Nguyễn Văn Chấn canh tác 3 sào thì 100% diện tích bị chết, thất thu khoảng 90 triệu đồng.

Cùng cảnh ngộ với những nông dân nói trên, một số hộ dân ở thôn 12 của xã đã nhổ nhiều diện tích thuốc lào héo úa để trồng rau mùng tơi và đậu xanh nhằm tận dụng đất. Nhổ những cây thuốc lào héo úa cuối cùng trong 2,5 sào thuốc lào đã chết của gia đình, vợ chồng anh Đoàn Văn Tiến hạch toán: Mỗi sào thuốc lào, gia đình tôi đầu tư mất 300.000 đồng thuê cày bừa, khoảng 100.000 tiền giống, 200.000 phân đạm (khoảng 20 kg), 2 bao lân trị giá 130 nghìn đồng, 120 nghìn đồng cho các lần phun thuốc sâu, đó là chưa kể công sức vun xới, chăm bón của cả gia đình. Bao tiền của, công sức đang chờ ngày thu hoạch, thế mà… Theo nhận định của nhiều nông dân, nguyên nhân chính khiến thuốc lào chết có thể là thuốc sâu giả, hoặc khi pha chế tại nhà máy sản xuất bị sai công thức…

Theo tìm hiểu của phóng viên, loại “thuốc cá sấu” mà nhân dân ở đây quen gọi chính là thuốc trừ sâu hiệu Golniter 50WDG được đăng ký và phân phối bởi Công ty Hoa Binh International Corp, có địa chỉ ở Đống Đa, Hà Nội. Loại thuốc bảo vệ thực vật này thường được đưa về Thanh Hóa qua một đại lý phân phối tại Ninh Bình. Các đại lý thuốc bảo vệ thực vật ở xã Quảng Định mua cất của một đại lý ở TP Thanh Hóa về bán lại cho dân. Hiện tại, mới chỉ có 3/6 đại lý này ở xã Quảng Định có giấy phép kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Đoàn Thành Lê cho biết, sau khi được các hộ dân phản ánh, xã đã xuống kiểm tra và báo cáo với huyện và các ngành chức năng. Cán bộ thanh tra của Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã xuống kiểm tra, tìm hiểu. Vừa qua, công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật này cũng cho cán bộ về tìm hiểu, đã hỗ trợ cho mỗi sào thuốc lào chết 1,5 triệu đồng. Thế nhưng, cũng chỉ 19 hộ có đơn gửi lên xã là hỗ trợ, nhiều hộ gửi đơn muộn, không có đơn hoặc viết đơn không đúng quy cách vẫn không được hỗ trợ. Đến ngày 12-4, vẫn chưa tìm ra  được nguyên nhân cuối cùng làm cho  cây thuốc lào chết hàng loạt. Ước tính, tổng thiệt hại trong vụ thuốc lào này của nông dân Quảng Định khoảng 1,2 tỷ đồng.
( Nguồn: baothanhhoa.vn )

Ý kiến bình luận